Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng. Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang dần khan hiếm, việc phát triển và ứng dụng điện năng lượng mặt trời (NLMT) được xem là xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tận dụng triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
- Tình hình tiêu thụ điện năng lượng mặt trời trong sản xuất kinh doanh
- Tiềm năng từ ứng dụng điện năng lượng mặt trời
- Xu hướng phát triển công nghệ điện mặt trời trên thế giới
Tình hình tiêu thụ điện năng lượng mặt trời trong sản xuất kinh doanh
Hiện nay, các ứng dụng điện năng lượng mặt trời đang là giải pháp phù hợp nhất với các doanh nghiệp nhằm giảm trực tiếp lượng điện năng sử dụng vào ban ngày. Hệ thống này phù hợp nhất với các siêu thị, trung tâm thương mại bởi chúng có diện tích mái khá rộng có thể lắp đặt nhiều pin mặt trời. Hiện nay, với 7m2 diện tích sẽ lắp đặt được một đơn vị công suất là 1kWp và tạo ra được 1kWh điện vào 1 giờ nắng chuẩn. Theo đó, mỗi ngày mỗi tấm pin mặt trời sẽ sản xuất được trung bình 4-5kWh điện. Đối với mái văn phòng có diện tích khoảng 210m2 sẽ lắp được khoảng 30 kWp, tương đương 120 đến 150 kWh điện. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm 3.600 đến 4.500 kWh điện hàng tháng, tương đương số tiền từ 10 đến 13 triệu đồng.
Ứng dụng điện năng lượng mặt trời đang là giải pháp phù hợp nhất với các doanh nghiệp
Tiềm năng từ ứng dụng điện năng lượng mặt trời
Tính đến cuối năm 2021, các nguồn điện từ năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt là 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống là 76.620 MW. Tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ KWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Cụ thể, về điện gió Việt Nam có 70 dự án với tổng công suất đạt 3.987 MW đã đưa vào vận hành thương mại, lượng điện sản xuất đạt 3,34 tỷ kWh trong năm 2021, tương đương 1,3% sản lượng điện toàn hệ thống. Về điện mặt trời, sản lượng điện sản xuất từ năng lượng mặt trời chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng năm 2021.
Trong những năm gần gần đây, các dự án năng lượng mặt trời tái tạo ở Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI và đầu tư tư nhân. Việc thu hút được nhiều dự án mới và quy mô lớn với 5,7 tỷ USD, chiếm 18.3% tổng số vốn đầu tư đăng ký đã giúp ngành sản xuất và phân phối điện đứng vị trí thứ 2 trong số các ngành thu hút FDI.
Theo đó, hàng tỷ USD được rót vào các dự án điện mặt trời và điện gió cho thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ và đây chỉ là bước đầu của quá trình chuyển đổi từ nguồn năng lượng than đá sang nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên. Công suất điện mặt trời cả nước tăng nhanh từ 86 MW vào năm 2018 lên gần 16.500 MW năm 2020. Điện mặt trời áp mái cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng công suất điện mặt trời tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia ASEAN có công suất lắp điện mặt trời lớn nhất.
Điện mặt trời áp mái chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng công suất điện mặt trời tại Việt Nam
Xu hướng phát triển công nghệ điện mặt trời trên thế giới
Công nghệ module tiên tiến: sự xuất hiện của các cấu trúc tế bào mới đã cho hiệu quả cao hơn. Động lực chính của sự thay đổi này là sự xuất hiện của các tế bào PERC và khả năng tương thích của chúng với các công nghệ mới, chẳng hạn như half-cut cells, mô-đun hai mặt (Bifacial solar cells), tăng số lượng thanh góp điện (Multi-busbars). Theo đó, việc phát triển công nghệ công nghệ chế tạo mô đun còn đến từ việc sản xuất ra các tấm pin mặt trời có hình dạng như những tấm lợp thông thường.
Theo xu thế phát triển công nghệ trong khai thác và sử dụng nguồn năng lượng mặt trời trên thế giới, một số dự án, nguyên mẫu nghiên cứu ở cấp độ ứng dụng đang được tiến hành để kích thích tăng trưởng thị trường trong tương lai. Ví dụ như công nghệ cây mặt trời có thể tạo ra lượng điện tương đương với điện mặt trời trên mặt đất nhưng lại chiếm ít không gian hơn tới 100 lần, hay là công nghệ khử muối nhờ năng lượng mặt trời tận dụng nhiệt thải từ các tấm pin để cung cấp nhiệt năng cho các hệ thống khử muối theo phương pháp chưng cất.
Ngoài những công nghệ đã nêu ở trên, điện mặt trời còn có xu hướng phát triển công nghệ dọc theo chuỗi giá trị. Đó là công nghệ trong các dịch vụ vận hành và bảo dưỡng, quản lý hệ thống quang điện hết thời gian khai thác, công nghệ đáp ứng tính thay đổi và độ không chắc chắn của điện mặt trời. Những công nghệ này sẽ đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và hạn chế được ô nhiễm môi trường.
Công nghệ module tiên tiến dần xuất hiện và thể hiện ưu thế của mình
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng điện năng lượng mặt trời góp phần mở rộng ngành năng lượng tái tạo. Việt Nam sẽ là quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, thậm chí có thể vượt qua các quốc gia như Úc hay Ý về các giải pháp đổi mới và phát triển năng lượng sạch trong tương lai.